Năm đặc điểm của nhà lãnh đạo có trách nhiệm

Để đạt được thành công trong một thế giới không ngừng phát triển như hiện nay, đòi hỏi bạn cần phải cố gắng nỗ lực theo những cách đặc biệt.

Khi các tổ chức tiếp tục đối mặt với đại dịch toàn cầu, một thực tế mới đang ngày càng trở nên rõ ràng.

Đầu tiên là cách chúng ta sẽ tiếp tục làm việc trực tuyến và rất có thể sẽ thay thế cho cách làm việc trực tiếp truyền thống trước kia.

Thứ hai là nhân viên ở khắp mọi nơi đã và đang suy nghĩ lại về những gì họ muốn từ công việc, từ các nhà lãnh đạo và từ tổ chức của họ. Điều này sẽ tạo ra cả cơ hội và rủi ro cho các công ty trong tương lai.

Cuối cùng, để thành công trong một thế giới luôn thay đổi, sẽ cần đến sự lãnh đạo, ở bất kỳ vị trí nào — chúng ta đều sẽ cần những nhà lãnh đạo thực sự có trách nhiệm ở mọi trình độ.

Chúng ta rất cần các nhà lãnh đạo của mình tiếp tục tạo động lực theo những cách đặc biệt để giúp thúc đẩy việc thực thi các chiến lược, truyền cảm hứng cho nhân viên và quản lý khi mà các tổ chức đang phải đối mặt với sự không chắc chắn và mơ hồ trong thời đại dịch bệnh.

Nhưng vào thời điểm mà chúng ta rất cần những nhà lãnh đạo có trách nhiệm hơn bao giờ hết, thì nhiều người lại không như vậy. Theo nghiên cứu của Vince Molinaro chia sẻ trong cuốn sách mới của mình – “Những nhà lãnh đạo có trách nhiệm”, cho thấy 51% các nhà lãnh đạo là “tầm thường” và không thể vượt qua được những thách thức hiện nay. Điều này dựa trên một cuộc khảo sát toàn cầu với gần 3.000 lãnh đạo cấp cao trong một số lĩnh vực. Họ được yêu cầu đánh giá tổ chức của mình trên một số vấn đề liên quan đến trách nhiệm giải trình của lãnh đạo.

Accountable Leaders – Vince Molinaro

Bài viết nhận thấy rằng trách nhiệm giải trình là điều cuối cùng giúp phân biệt các nhà lãnh đạo vĩ đại với những nhà lãnh đạo tầm thường. Dưới đây là năm đặc điểm những nhà lãnh đạo thực sự có trách nhiệm so với những người còn lại.

  1. Yêu cầu người khác chịu trách nhiệm về các tiêu chuẩn hiệu suất cao

Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm làm rõ sự kỳ vọng bằng cách củng cố nhất quán những gì cần thiết và những gì nhân viên nên ưu tiên thực hiện sao cho phù hợp với vai trò và vị trí công việc của họ. Thật không may, có quá nhiều nhà lãnh đạo thực hiện công việc của họ một cách máy móc đi từ cuộc họp này sang cuộc họp khác, hết thời hạn này đến thời hạn khác mà không hề nghĩ đến việc đặt ra các tiêu chuẩn cụ thể. Có thể họ đang bị quá tải hoặc thậm chí là kiệt sức và mất đi niềm đam mê với công việc của mình. Dù lý do là gì, khi một nhà lãnh đạo không đặt ra và sống theo các tiêu chuẩn cụ thể nào, thì các nhân viên sẽ bị mất phương hướng và không biết mình đang cần làm gì.

  1. Giải quyết các vấn đề khó khăn và đưa ra quyết định khó khăn

Trở thành một nhà lãnh đạo không dễ dàng. Có rất nhiều vấn đề khó khăn cả về công việc lẫn con người. Và đôi lúc, các nhà lãnh đạo cần phải đưa ra các quyết định khó khăn để có thể giải quyết vấn đề đó. Thật không may, nhiều nhà lãnh đạo “tầm thường” thường chọn né tránh công việc khó khăn, và điều đó làm suy yếu khả năng lãnh đạo và trách nhiệm giải trình của họ. Họ không hề nhận ra rằng họ sẽ phải trả giá cho sự né tránh vấn đề của mình. Trong cuốn sách Hợp đồng lãnh đạo, tác giả đã mô tả một ý tưởng gọi là Quy tắc khó khăn trong lãnh đạo (The Hard Rule of Leadership). Nó nói rằng khi các nhà lãnh đạo trốn tránh công việc khó khăn, họ sẽ trở nên yếu đuối. Nhưng khi họ có can đảm để giải quyết công việc khó khăn, họ trở nên mạnh mẽ. Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm hiểu và đảm bảo rằng họ có sự nhạy bén, quyết tâm và ý thức sâu sắc về quyết tâm của bản thân mà họ cần để đạt được hiệu quả.

  1. Truyền đạt chiến lược trong toàn tổ chức

Các nhà lãnh đạo phải đảm bảo rằng nhân viên hoàn toàn hiểu rõ ràng về tầm nhìn của công ty, để họ có thể thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả. Tạo một tập hợp các mục tiêu được xác định rõ ràng có thể giúp mọi người gắn bó và giảm mức độ căng thẳng của họ. Sự rõ ràng là nền tảng cho trách nhiệm giải trình. Khi tất cả mọi người đều rõ ràng về những gì phải hoàn thành, thì việc quy trách nhiệm cho mọi người khi có sai sót sẽ dễ dàng hơn. Nếu thiếu sự rõ ràng, hoặc mơ hồ và hoàn toàn nhầm lẫn, thì bạn đã tạo điều kiện khiến cho việc giải trình trở thành một buổi đổ trách nhiệm cho nhau.

  1. Thể hiện sự lạc quan về công ty và tương lai của họ

Một cách cư xử khác mà các nhà lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên thể hiện là khả năng thể hiện sự lạc quan về công ty và tương lai của họ. Các nhà lãnh đạo được coi là không có trách nhiệm vì dường như họ chỉ đơn thuần xem xét các sự thay đổi trong công việc hàng ngày của họ mà không cần đầu tư vào cá nhân họ. Họ có thể tỏ ra chán nản hoặc không nhiệt tình, điều này làm giảm khả năng thu hút nhân viên của công ty một cách hoàn toàn. Như một khách hàng đã nói: “Nếu các nhà lãnh đạo không hào hứng với những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện, thì nhân viên của chúng tôi cũng sẽ không bao giờ có được sự hào hứng.” Nhiều nhân viên làm việc từ xa có thể cảm thấy bị cô lập và mất kết nối khi làm việc trực tuyến, vì vậy các nhà lãnh đạo phải cung cấp sự hỗ trợ, năng lượng tích cực và cảm giác hy vọng vào tương lai.

  1. Hiểu rõ về các xu hướng bên ngoài trong môi trường kinh doanh

Có quá nhiều người rơi vào tình trạng bị “ám ảnh” về các vấn đề nội bộ— đôi khi họ phải loại trừ các yếu tố từ môi trường bên ngoài. Bạn cần liên tục thử thách bản thân để xem liệu bạn có quá tập trung vào nội bộ hay không. Các nhà lãnh đạo có trách nhiệm thường xuyên đánh giá môi trường của họ để phát hiện các cơ hội và xác định các mối đe dọa và rủi ro mà họ có thể gặp phải. Điều đặc biệt quan trọng lúc này là nhân viên cần được thông báo để hiểu được tình hình hiện tại mà họ phải đối mặt. Các nhà lãnh đạo phải cung cấp thông tin liên lạc trung thực và minh bạch theo cách chế ngự được nỗi sợ hãi, căng thẳng và lo lắng, điều này khuyến khích sự quyết tâm của nhân viên trong việc giúp tổ chức thành công.

Khi chúng ta tiếp tục nắm bắt những điều chưa biết trong thế giới luôn thay đổi, rõ ràng là trách nhiệm giải trình của lãnh đạo sẽ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trên thực tế, nó đã trở thành một yếu tố quan trọng giúp các tổ chức đối mặt với tương lai trong thời kỳ khủng hoảng hoặc thay đổi mạnh mẽ.

Theo: Industryweek