Thực chất, hiện nay có rất nhiều quản lý sản xuất tại các nhà máy đánh giá cấp dưới chỉ dựa trên những hành động được biểu hiện ở bên ngoài của họ, điều này khiến cho nhiều nhân viên, công nhân không được nhìn nhận chính xác về năng lực làm việc. Vậy cách đánh giá đúng nhất về một nhân viên chất lượng là như thế nào?

Cuốn sách “Nghệ thuật Đào tạo Cấp Quản lý Toyota” có viết rằng: “Đừng chỉ nhìn những cử động bên ngoài, hãy quan sát kỹ những cái bên trong”. Khi nhận thấy một công nhân đang thực hiện lắp ráp với thao tác thong thả và chậm rãi, đừng vội đánh giá anh ấy là một kẻ lười biếng. Hãy quan sát kỹ thao tác của anh công nhân ấy, có thể đó là một cách làm việc cẩn thận, tỉ mỉ giúp cho sản phẩm được lắp ráp một cách chính xác và chỉ cần thực hiện trong một lần duy nhất. Cách làm việc của anh ấy sẽ tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với một người công nhân thoạt nhìn cách làm việc của anh ta rất nhanh nhẹn nhưng khi quan sát kỹ, động tác tay của anh ta không được ổn định dẫn tới vị trí của linh kiện không chính xác. Như vậy, liệu có giải pháp nào để một nhân viên làm việc trong nhà máy được đánh giá đúng với năng lực của anh ấy?

1. Hãy có sự phân biệt giữa “cử động” và “lao động”

“Cử động” là những thao tác thừa thãi, không tạo ra giá trị gia tăng, còn “lao động” là những thao tác tạo ra giá trị gia tăng. Người lãnh đạo không được nhầm lẫn giữa hai từ này để trở thành một quản đốc sản xuất có sự đánh giá chính xác nhất về cấp dưới của mình.

2. Thiết lập công việc tiêu chuẩn trong nhà máy sản xuất

Công việc tiêu chuẩn trong nhà máy sản xuất là quá trình tạo ra các hướng dẫn, quy trình và tiêu chí cụ thể mà nhà máy sản xuất tuân theo để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu suất cao và an toàn lao động. Những tiêu chuẩn này không chỉ xác định cách thức thực hiện công việc, mà còn đảm bảo tính đồng nhất và hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất.

VPMC xin kể đến một số tác dụng mà phương pháp này đem lại cho nhà máy sản xuất như sau:

  • Đảm bảo chất lượng sản phẩm: Công việc tiêu chuẩn giúp xác định các tiêu chuẩn chất lượng cần tuân theo trong quá trình sản xuất. Điều này đảm bảo rằng sản phẩm cuối cùng đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, độ tin cậy và hiệu suất.
  • Tối ưu hóa quy trình sản xuất: Bằng cách thiết lập các quy trình sản xuất tiêu chuẩn, công việc tiêu chuẩn giúp cải thiện hiệu suất, tiết kiệm thời gian và tài nguyên, từ việc sắp xếp thiết bị đến quản lý nguyên liệu.
  • Đảm bảo an toàn lao động: Công việc tiêu chuẩn bao gồm việc thiết lập quy tắc và biện pháp an toàn để đảm bảo môi trường làm việc an toàn và hạn chế tối đa tai nạn lao động cho nhân viên.
  • Dễ đào tạo và hướng dẫn: Quy trình tiêu chuẩn tạo ra hệ thống hướng dẫn dễ dàng cho nhân viên mới và cả những người đã có kinh nghiệm nhằm đảm bảo rằng mọi người làm việc theo cách thống nhất và hiệu quả.
  • Kiểm soát biến đổi không mong muốn: Công việc tiêu chuẩn giúp giảm thiểu sự biến đổi không mong muốn trong quá trình sản xuất bằng cách xác định các quy trình cụ thể và phương pháp làm việc. Điều này giúp duy trì tính ổn định và dự đoán được kết quả sản xuất.
  • Quản lý tri thức sản xuất: Các thông tin về quy trình sản xuất, kinh nghiệm và hướng dẫn được lưu trữ và chia sẻ trong phạm vi nhà máy hay doanh nghiệp sản xuất, giúp duy trì tính liên tục và cải tiến trong hoạt động sản xuất.
  • Đối chiếu và cải tiến: Công việc tiêu chuẩn giúp đối chiếu kết quả sản xuất với các tiêu chuẩn đã đặt ra nhằm xác định điểm yếu và cơ hội cải tiến, từ đó nâng cao hiệu suất và chất lượng sản xuất.

______________________________

Trên đây là dấu hiệu nhận biết và một số phương pháp để một người lãnh đạo không bị “đánh lừa” bởi cách làm việc của cấp dưới. VPMC hy vọng bài viết này có thể giúp anh/chị phòng tránh được góc khuất về cấp dưới trong công xưởng của mình.

_______________________________

Để không bỏ lỡ cơ hội được trao đổi với những chuyên gia và quản lý trong ngành sản xuất, quý vị vui lòng tham gia vào nhóm: QUẢN LÝ SẢN XUẤT CHUYÊN NGHIỆP