BIỂU ĐỒ XƯƠNG CÁ – ISHIKAWA TRONG QUY TRÌNH SẢN XUẤT THEO 5M1E

Trong quá trình làm việc tại công ty Kawasaki Heavy Industries, nhà khoa học Nhật Bản Kaoru Ishikawa đã phát hiện ra rằng có rất nhiều nhân tố có thể ảnh hưởng tới quy trình làm việc. Vì vậy, ông đã sắp xếp các nguyên nhân sâu xa này một cách có trật tự bằng một công cụ đồ họa đơn giản và tạo ra một mô hình có dạng như một bộ xương cá. Từ đây, biểu đồ xương cá Ishikawa được ra đời và được dùng rất nhiều cho quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp lớn nhỏ nhằm tìm ra được các vấn đề trong nhà máy sản xuất.

Cấu trúc của "Biểu đồ xương cá - Ishikawa"

Lợi ích của việc sử dụng biểu đồ xương cá – Ishikawa

Bằng việc sử dụng biểu đồ xương cá – Ishikawa, các quản lý sản xuất tại các nhà máy có thể phân tích và tư duy logic các vấn đề xảy ra, từ đó xác định được gốc rễ của vấn đề và tìm ra được phương pháp giải quyết một cách hiệu quả nhất, cụ thể về lợi ích mà biểu đồ này tạo ra như sau:

  1. Tổ chức thông tin một cách rõ ràng và có hệ thống, từ đó tìm ra được nguyên nhân của vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành sản xuất.
  2. Hỗ trợ tìm ra được lý do khiến cho một quy trình sản xuất hay một sản phẩm thất bại.
  3. Dự báo, nghiên cứu được nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra tại nhà máy, từ đó đưa ra những biện pháp phòng ngừa kịp thời trong quá trình sản xuất.

Cấu trúc của biểu đồ xương cá – Ishikawa

Vậy trong các nhà máy sản xuất hiện nay, biểu đồ xương cá – Ishikawa có thể được sử dụng như thế nào? Sau đây, VPMC xin được giới thiệu tới anh/chị một dạng cấu trúc của biểu đồ này theo 5M1E:

  • Phần xương sống hay còn gọi là trục chính của biểu đồ này được hiển thị như một hình mũi tên nằm ngang hướng từ trái sang phải và chỉ vào vấn đề cần tìm ra nguyên nhân gốc rễ.
  • Các phần xương nhánh được phân nhánh trên trục chính biểu thị các nguyên nhân chính của vấn đề theo 6 nhóm: nguyên vật liệu (Materials), máy móc/công cụ (machines), con người (men), phương pháp/quy trình (methods), kiểm tra đo lường (measurement) và môi trường (environment).
  • Các phần xương con gắn trên 6 nhánh chính thể hiện những nguyên nhân chi tiết hay còn gọi là gốc rễ của vấn đề. Tại đây, anh/chị có thể áp dụng quy tắc 5Whys hay đặt ra những câu hỏi “có hay không” để tìm ra nguyên nhân một cách chính xác nhất.

Áp dụng quy tắc 5Whys trong biểu đồ xương cá – Ishikawa

5Whys là một phương pháp mở rộng chuỗi tư duy logic, giúp doanh nghiệp tìm ra được nguyên nhân căn bản của vấn đề để từ đó tìm ra được một hướng giải quyết phù hợp nhất. Doanh nghiệp không nhất thiết phải đặt câu hỏi 5 lần, mà có thể căn cứ vào tình hình để điều chỉnh một cách linh hoạt nhất. Để phương pháp 5Whys trở nên hiệu quả nhất, các cá nhân/doanh nghiệp cần đặt ra những câu hỏi phù hợp, đồng thời các câu trả lời cũng cần có kỹ xảo tương ứng. 

VPMC xin đưa ra một ví dụ như sau:

“Mặt tường phía Đông của viện bảo tàng đã bị ăn mòn nặng, cần phải thường xuyên quét sơn làm mới. Một ngày nọ, quản lý thư viện lại phát hiện ra bức tường tiếp tục bị hư hỏng nghiêm trọng, lúc này ông ấy bắt buộc phải đưa ra quyết định làm thế nào để xử lý sự việc này”

Nếu tư duy một chút, thay vì quét sơn lại một lần nữa, quản lý có thể tìm cho ra nguyên nhân vì sao mặt tường lại bị ăn mòn như thế. Sau khi đã kiểm tra kỹ lưỡng, quản lý thư viện đã phát hiện ra nhân viên vệ sinh của viện bảo tàng đã sử dụng một loại chất tẩy rửa có tính ăn mòn mạnh. Tại đây, nhiều người nghĩ rằng quản lý phải yêu cầu nhân viên dọn vệ sinh không được dùng loại chất tẩy rửa ấy nữa là xong. Tuy nhiên, nguyên nhân gốc rễ không thực sự dừng lại ở đó. Bằng việc sử dụng lối tư duy như cột (1) trong hình ảnh, quản lý có thể tìm ra được giải pháp nhằm giải quyết triệt để vấn đề đó là: “Lắp đặt rèm cửa chắn sáng, hằng ngày trước khi mặt trời lặn thì kéo rèm cửa vào”

Tuy nhiên, trong quá trình liên tiếp truy hỏi, quản lý cần phải đảm bảo câu hỏi đề ra có ý nghĩa với hoàn cảnh xung quanh, và câu trả lời đưa ra cần phải nằm trong tầm kiểm soát của công ty. Nếu không, những câu hỏi phía sau cùng sẽ lạc đề hoàn toàn.

Giống như cột (2) trong hình ảnh, kết luận cuối cùng mà quản lý đưa ra là: “Tường ăn mòn là do trời định”. Đây là một kết luận không thể đưa ra giải pháp và hoàn toàn không nằm trong mức độ kiểm soát của công ty.

Biểu đồ xương cá – Ishikawa theo 5M1E hiện đang được áp dụng phổ biến trong các doanh nghiệp sản xuất hiện nay và được cho là hiệu quả. Các cá nhân, tổ chức không chỉ trong ngành sản xuất mà còn ở những lĩnh vực khác hoàn toàn có thể áp dụng và phát triển biểu đồ này nhằm giúp cho doanh nghiệp của anh chị có được những sản phẩm chất lượng nhất.

_____________________

Để không bỏ lỡ cơ hội được trao đổi với những chuyên gia và quản lý trong ngành sản xuất, quý vị vui lòng tham gia vào nhóm: QUẢN LÝ SẢN XUẤT CHUYÊN NGHIỆP

Nguồn case study: Sách Tư duy sâu – Diệp Tu