Có bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi rằng một người lãnh đạo tài giỏi là người có tố chất bẩm sinh hay nhờ quá trình học hỏi trau dồi? Các nhà lãnh đạo làm nên thời đại, hay thời đại sinh ra các nhà lãnh đạo?

Những câu hỏi này không chỉ dừng lại ở phạm vi triết học. Khi nói đến khả năng lãnh đạo, điều quan trọng là phải biết liệu những người đứng đầu một tổ chức có làm việc hiệu quả hay không, họ đã làm gì để giúp tổ chức tốt lên. Có lẽ không quá khi nói rằng lãnh đạo là người có thể xây dựng và cũng có thể phá vỡ một tổ chức.

Câu trả lời cho câu hỏi trên tưởng như không hợp lý nhưng lại dễ hiểu: đó là cả hai. Hãy thảo luận về một số ý tưởng chính đóng vai trò trong việc học hỏi và phát triển các kỹ năng lãnh đạo hiệu quả

Có khuynh hướng di truyền khả năng lãnh đạo hay không?

Khi nhắc đến hành vi của con người, chúng ta có thể có những khuynh hướng di truyền không biểu hiện trừ khi ở trong một môi trường thích hợp. Một nghiên cứu năm 2007 về các cặp song sinh nữ đã chỉ ra rằng “32% sự khác biệt trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo có liên quan đến khả năng di truyền”. Nói cách khác, một phần của khả năng này là do di truyền. Và dựa trên những nghiên cứu về vấn đề này, các nhà khoa học kết luận rằng các sự kiện trong cuộc sống và kinh nghiệm làm việc được tích lũy cũng đóng góp một phần tác động đến khả năng lãnh đạo.

Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2019, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng để trở thành một nhà lãnh đạo hiệu quả, trước tiên phải có một tâm lý sẵn sàng để đứng đầu.

Ai có thể học để trở thành nhà lãnh đạo?

Hiện nay, những chương trình đào tạo một người lãnh đạo tài giỏi không thiếu nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận sự chỉ dẫn đó và tận dụng để trở thành một nhà lãnh đạo. Liệu những người nhân viên cấp dưới, không có thẩm quyền tạo ra chiến lược hay không đủ sức ảnh hưởng đến việc phân phối nguồn lực có thể trở thành lãnh đạo hay không? Câu trả lời là có.

Trong một bài báo trên Tạp chí Kinh doanh Harvard năm 1961, cố hiệu trưởng trường đại học W.C.H. Prentice đã phát biểu rằng “Lãnh đạo là việc hoàn thành mục tiêu thông qua việc hỗ trợ người khác – một thành tựu mang tính “con người và xã hội” bắt nguồn từ sự thấu hiểu nhân viên và mối quan hệ giữa mục tiêu cá nhân và mục tiêu chung.

Lãnh đạo không phải chỉ là lập kế hoạch và kiểm tra ngân sách và sử dụng quyền hạn trong tổ chức. Nói đơn giản: Lãnh đạo là khả năng hoàn thành mục tiêu thông qua những người khác, có nghĩa là những chiến lược phát triển chuyên môn này có khả năng biến bất kỳ nhân viên nào trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một người không muốn trở thành lãnh đạo?

Một bài báo năm 2017 của các nhà điều tra Đại học Toronto đã trích dẫn nghiên cứu trước đó cho thấy rằng các kỹ sư thường có một cái nhìn không mấy thiện cảm với vị trí “lãnh đạo” – khi được coi là hình thức có ảnh hưởng đến chuyên môn, ba định hướng khác biệt đối với vị trí này xuất hiện: làm chủ kỹ thuật, hợp tác tối ưu hóa và đổi mới tổ chức.

Một ví dụ khác, trong nhiều tổ chức phi lợi nhuận, với trọng tâm là sứ mệnh, văn hóa dân chủ và mô hình tổ chức phẳng, nhiều nhân viên cũng gặp phải tình trạng lưỡng tự tương tự khi thừa nhận vai trò lãnh đạo – điều này không thành vấn đề. Không quan trọng việc ai đó muốn được công nhận là lãnh đạo hay không, miễn là người đó hoàn thành nhiệm vụ cùng mọi người khác trong tổ chức.

Tác động của trải nghiệm lãnh đạo sớm là gì?

Trong các kịch bản cha truyền con nối chức danh lãnh đạo, chẳng hạn như hoàng gia châu Âu, việc sinh ra thái tử là một kỳ vọng lớn để thừa kế ngôi vị trở thành hoàng đế tiếp theo. Khả năng lãnh đạo của họ được coi là tự nhiên, cũng có thể hiểu rằng họ sinh ra đã là một nhà lãnh đạo.

Dân chủ hóa việc đào tạo lãnh đạo sớm đi kèm với sự gia tăng của công nghiệp hóa. Ví dụ điển hình nhất có thể kể đến sự bùng nổ của các tổ chức thanh niên vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, chẳng hạn như hướng đạo sinh, YWCA (Hiệp hội Thanh niên Cơ Đốc), Liên đoàn thể thao và các câu lạc bộ, hội nhóm khác. Nhà lãnh đạo quân sự người Anh Robert S.S Baden-Powell khẳng định rằng mọi người có thể học hỏi khả năng lãnh đạo ngay từ khi còn nhỏ. Năm 1907, ông đã thử nghiệm các ý tưởng của mình với 21 cậu bé ở trên đảo Brownsea của Anh, dẫn đến việc xuất bản phần đầu tiên của cuốn “Hướng đạo cho nam sinh” vào năm 1908 và khởi động phong trào hướng đạo toàn cầu.

Baden-Powell là người tiên phong trong một số mảng. Đầu tiên, ông đã xóa tan lần tưởng rằng lãnh đạo là một kỹ năng “tự nhiên” dành riêng cho tầng lớp thượng lưu giàu có và quyền lực. Điều quan trọng hơn nữa đó chính là ông đã chứng minh được rằng từ sự hướng dẫn thực tế, qua thực hành có thể dạy các kỹ năng lãnh đạo.

Đến những năm 1940, các trường đại học bắt đầu coi lãnh đạo như một bộ môn để nghiên cứu và giảng dạy. Những năm cuối của thập niên 80 đã chứng kiến sự xuất hiện của Hiệp hội các nhà giáo dục lãnh đạo, được mô tả là “một hiệp hội chuyên nghiệp tập trung vào nhiệm vụ giáo dục lãnh đạo, đan xen giữa lý thuyết và thực hành, phổ biến nghiên cứu và cung cấp cơ hội phát triển nghề nghiệp cho bất cứ ai tham gia vào giáo dục lãnh đạo (kể cả chính thức và không chính thức)”.

Còn những người không tham gia vào một nhóm nào hoặc không học về lãnh đạo ở trường học thì sao? Với sự đào tạo và nguồn lực phù hợp, bất kỳ ai cũng có thể học cách để trở thành một nhà lãnh đạo.

Làm thế nào để xây dựng sự tự tin cho các nhà lãnh đạo?

Sự tự tin có thể tình cờ là chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa trở thành một nhà lãnh đạo. Thông thường, con người chúng ta dễ bị thu hút bởi những người có vẻ ngoài tự tin. 

Việc phát triển sự tự tin để trở thành một nhà lãnh đạo tài ba thường đòi hỏi phải qua đào tạo và có kinh nghiệm về các lĩnh vực mà nhân viên sẽ cần để dẫn đầu. Một khi trở nên thông thạo những chủ đề này, người khác sẽ tự khắc tìm đến bạn để tìm sự hướng dẫn. Trong nghiên cứu về kỹ sư và khả năng lãnh đạo được thảo luận bởi các nhà điều tra của đại học Toronto, một trong ba phẩm chất của những người “né tránh” danh hiệu lãnh đạo nhưng thực chất lại được coi là nhà lãnh đạo chính là sự thành thạo kỹ thuật. Điều này có nghĩa là: nếu bạn thành thạo một quy trình nào đó, điều ấy mang lại sự tự tin cho bạn và người khác có thể cảm thấy được, từ đó khiến bạn trở thành người dẫn đầu trong số các đồng nghiệp của mình về lĩnh vực đó.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra giao tiếp, khả năng giải thích, sự tận tâm, niềm đam mê, khả năng ủy quyền, trao quyền cho nhân viên và một vài đặc điểm khác là “thuộc tính của một nhà lãnh đạo thành công”. Có một tin tốt đó là bất cứ ai cũng có thể trau dồi những đức tính này, bất kể là người hướng ngoại hay hướng nội, là người sống logic hay tình cảm, người mơ mộng hay thực tế.

Khả năng lãnh đạo không phải là phẩm chất cao quý chỉ dành cho một số ít những người đặc biệt. Ta có thể xác định tố chất lãnh đạo, sau đó dạy và áp dụng điều đó vào thực tế. Điều này có thể giúp ích nếu may mắn được di truyền khả năng lãnh đạo bẩm sinh, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải học!

Nguồn: Training Industry