Có lẽ đây thuộc nghiệp vụ của bộ phận nhân sự, tuy nhiên là những người quản lý sản xuất, chúng ta cũng không ít lần đưa các đề xuất về cơ chế lương để đảm bảo sự công bằng cũng như tạo động lực cho công nhân, nên Khải cũng muốn thể hiện chút quan điểm về công tác này (đây cũng là nội dung mà Khải và đội ngũ đang tháo gỡ cho nhiều doanh nghiệp).
Có một điều thường thấy là: doanh nghiệp đang quản trị yếu ở phần nào, thì cơ chế lương sẽ phản ánh vào đúng phần yếu đó. Nhiều khi trong 1 bảng thu nhập của công nhân có rất nhiều chỉ tiêu chỉ mang tính chất ràng buộc lương với sự chấp hành của công nhân gây ra sự rối rắm và cồng kềnh trong đo lường, công tác thu thập dữ liệu lâu khiến cho việc chi lương chậm trễ, ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
Nhìn về bản chất, đối với công nhân thì cơ chế lương là động lực làm việc và phản ánh năng suất, doanh nghiệp thiết lập 1 luật chơi và mọi người cùng chơi. Luật chơi công bằng sẽ góp phần thúc đẩy năng suất.
Hiện nay, Khải thấy có rất nhiều doanh nghiệp đang tính với nhiều cơ chế lương khác nhau như: lương theo thời gian và vị trí, lương theo dự án, lương theo sản lượng, lương 3P…, tuy nhiên phổ biến nhất hiện nay vẫn là trả lương theo thời gian và lương theo sản lượng. Bởi vậy, bài này Khải sẽ tập trung thể hiện quan điểm cho 2 phương án này.
Có thể thấy, với nhiều doanh nghiệp khi hệ thống tiêu chuẩn chưa được thiết lập, hoặc có thiết lập nhưng tính hiệu lực chưa cao, thì việc đưa cơ chế lương gắn với sản lượng là một điều cần thiết. Cơ chế lương gắn với sản lượng là 1 bài toán cảm giác an toàn về cân đối lợi nhuận và chi phí, đặc biệt trong ngành gia công, khi đơn hàng ít, giá thành deal được thấp thì hệ thống cùng chia sẻ điều này. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp đang lạm dụng việc này dẫn tới nhiều tình huống há miệng mắc quai. Cụ thể là như thế nào?
Một doanh nghiệp A ngành bao bì trả lương theo sản lượng, người công nhân B được phần công vận hành máy cắt, sản lượng tính theo tổng khối lượng hàng tốt được tạo ra. Anh ta miệt mài chạy máy, khi máy có một tiếng kêu bất thường, anh ta vẫn tiếp tục chạy và không kiểm tra tình trạng, miễn sao đủ sản lượng cho ngày để đảm bảo thu nhập. Tuy nhiên ngày hôm sau máy không thể chạy được nữa bởi một cơ cấu trong máy bị hư hỏng. Để sửa chữa máy này, họ cần 3 ngày để nhập linh kiện về. Đó là chiếc máy chủ lực, bởi vậy đã không đáp ứng đủ sản lượng như mong muốn và suýt không giao được hàng. Khi này, cứ cho rằng 3 ngày đó công nhân không có lương, nhưng tổn thất của doanh nghiệp gánh phải nhiều hơn vậy rất rất nhiều lần.
Khi người công nhân B nghỉ sau 2 năm làm việc, người công nhân C mới tuyển vào, bởi vì máy móc không được chăm sóc thời kì của công nhân B dẫn tới xuống cấp, năng suất thấp dần đi. Tuy nhiên mặt bằng lương bây giờ đã cao hơn, để đảm bảo thu nhập công nhân thì doanh nghiệp cần phải tăng lương đơn vị sản lượng. -> chi phí cao trong tương lai là hậu quả.
Vẫn là doanh nghiệp A, người công nhân B là một người có tay nghề tốt, người quản lý muốn họ dành 30 phút đào tạo cho người công nhân mới, tuy nhiên do họ chạy theo sản lượng, nên họ từ chối đào tạo và hẹn đào tạo trong buổi khác. Người công nhân mới không thể làm việc, bạn là quản lý phải nhảy vào đào tạo, bạn lơ là quản lý dẫn tới hàng lỗi nhiều, chi phi tăng hơn rất nhiều so với 30 phút mà người nhân viên B dành ra để đào tạo.
2 ví dụ trên phản ánh 2 công cụ rất hữu hiệu của sản xuất là: Bảo trì tự quản và đa kỹ năng. Nhưng bởi trả lương theo sản lượng ảnh hưởng lớn đến thu nhập dẫn đến cản trở rất lớn trong công tác cải tiến. Doanh nghiệp nên cân đối ở mức độ phù hợp. Nếu có thể, hãy đưa về 0%.
Nhắc lại rằng, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là Lợi nhuận, có nhiều cách để tăng lợi nhuận như: tăng số lượng bán hàng, giảm chi phí, tăng giá dịch vụ/sản phẩm,… tuy nhiên thời đại cạnh tranh thì điều mà chúng ta kiểm soát được bằng nội lực chỉ có thể là giảm chi phí thông qua tăng năng suất. mà muốn tăng năng suất, có rất nhiều biến số đầu vào ảnh hưởng như: Máy móc, con người, phương pháp sản xuất, vật liệu, trong mỗi biến số đó lại có vô vàn biến số nhỏ hơn tác động. Hãy thiết lập cơ chế lương sao cho có thể khích lệ được tăng năng suất, nhưng cũng đồng thời phải hỗ trợ xây dựng hệ thống hướng đến sự phát triển lâu dài và bền vững. Tránh các tình huống há miệng mắc quai.