Về chủ đề lập kế hoạch và điều độ sản xuất có vẻ được nhiều anh chị quan tâm. Vì vậy tiếp nối bài trước Khải sẽ viết thêm về cách tiếp cận lập kế hoạch và điều độ sản xuất. Về cơ bản nguyên tắc chỉ có vậy, nhưng với doanh nghiệp có dự báo đơn hàng ổn định, lượng mã hàng cũng không nhiều (đặc thù của sản xuất số lượng lớn) thì việc lập kế hoạch khá đơn giản. Nhưng với những doanh nghiệp có sự biến động nhiều đơn hàng đầu vào, thì việc lập kế hoạch cứ như trò đánh vật và rất căng thẳng.
Nhiều khi anh chị sẽ loay hoay không biết biết nên sắp xếp mã nào trước mã nào sau, trong doanh nghiệp chỉ tồn tại 2 trạng thái đơn hàng: Gấp và Rất gấp. Những đơn hàng chen ngang vào phải dừng lại đơn hàng đang chạy…. tất cả những điều đó khiến việc xây dựng 1 concept cho lập kế hoạch như một bài toán với nhiều biến số. Mà kế hoạch đã không xây dựng được thì việc chuẩn bị sản xuất lại càng khó, lãng phí từ đây mà ra. Nhiều doanh nghiệp cho rằng làm hàng lẻ lợi nhuận cao hơn, nhưng nếu xét trên tổng thể sự tổn thất năng suất với nguyên liệu đầu vào thì chưa chắc. Vì vậy, để hoạt động sản xuất trở thành một hệ thống có thể kiểm soát được (các chỉ số cơ bản ) thì điều đầu tiên nên nghĩ tới là tiêu chuẩn dần các biến số sau
– Đơn hàng đầu vào: Xây dựng chính sách với khách hàng, đàm phán để có thời gian chuẩn bị sản xuất tốt nhất (ít cũng phải 1 tuần đến 1 tháng trước khi sản xuất) cũng như giao hàng theo nhiều đợt (nếu có thể, cân đối theo chi phí logistics)
– Máy móc: định mức về độ tin cậy (MTBF, MTTR), khả năng công nghệ từ đó đổ ra năng lực máy trong ngày
– Con người: Tiêu chuẩn kỹ năng của người lao động, quy đổi về thời gian xử lý công đoạn nhân theo hệ số kỹ năng tương ứng, từ đó đưa ra năng lực của người.
– Thiết lập concept cho xây dựng lịch trình giữa các công đoạn: Có thể dùng nguyên tắc Đẩy hoặc Kéo hoặc kết hợp cả 2. Đẩy là dựa vào ngày đầu tiên sản xuất và rải lịch trình (trên xuống), kéo là dựa vào ngày giao hàng để rải lịch trình (dưới lên). Giữa các công đoạn chính sẽ thiết lập quy định tồn kho BTP trong bao lâu
– Tiêu chuẩn về Lot-size, quy định chia nhỏ lô sản xuất (có rất nhiều ý nghĩa khi chia nhỏ lô, Khải sẽ viết chia sẻ lần sau)
– Thiết lập concept cho lịch trình trong 1 công đoạn (mã nào làm trước, mã nào làm sau) Chi tiết như sau:
Thiết lập concept cho lịch trình trong 1 công đoạn (Đôi khi Khải dùng cho cả nhà máy vẫn áp dụng được)
– Phương pháp 1: FCFS (Fist Come-Fist Server) Đến trước làm trước, mã nào đến trước thì làm trước.
– Phương pháp 2: SOT (Shortest operating time) Thời gian vận hành ngắn nhất, xem xét các đơn hàng được sắp xếp, đơn hàng nào có tổng thời gian hoàn thành ngắn nhất thì chạy trước
– Phương pháp 3: EDD – Thời gian hoàn thành ngắn nhất, thực hiện theo đơn hàng có thời gian đến hạn là ngắn nhất
– Phương pháp 4: STR (Slack time remaining) Thời gian nhàn rỗi còn lại trong mỗi nghiệp vụ
Không có mô tả ảnh.
Phương pháp nào rồi cũng hướng đến 1 chỉ số đo lường quan trọng trong lập kế hoạch sản xuất hiệu quả, đó là: Tỷ lệ trễ hẹn đơn hàng
Thông thường hiện nay người lập kế hoạch thường phối trộn linh hoạt các concept khác nhau để sắp xếp lịch trình, và thường thấy nhất là kết hợp giữa FCFS và EDD, hoặc SOT và EDD. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn cho doanh nghiệp mình chỉ 1 trong 4 concept nêu trên để thiết lập lịch trình, sau này việc lập lịch trình cũng sẽ trở nên dễ dàng và có hệ thống hơn.